Ba
tôi gia nhập quân đội cũng khá lâu, nhưng tôi chưa bao giờ có diễm phút
thấy ba tôi trong bộ quân phục, trang nghiêm hào hùng. Ngày
mẹ bồng bế, đùm kéo mấy anh chị em tôi ra khỏi khu trại lính đón xe về ở
với nội, bao nhiêu hình ảnh cũ của ba trong quân phục đã bị xé, đốt để
tránh bị phiền toái với chánh quyền mới. Tôi thấy có một tấm hình trắng
đen của ba chụp ở quân trường tay đứng
chống nạnh hai bên tươi cười rất tự tin. Tôi muốn giấu mẹ để cất giữ
tấm ảnh nhỏ đó đem theo bên mình, nhưng cũng đành bỏ lại ra đi.
Tôi
không biết chuyện gì đã xảy ra và sao ba tôi lại vắng nhà khá lâu. Hằng
đêm anh em tôi được mẹ chỉ bảo ngồi nghiêm túc niệm Phật cho ba được an
toàn. Câu niệm trong trí tôi trước
khi nằm xuống ngủ luôn là "Nam Mô A Di Đà Phật, cho ba Ng. mau về." Tôi
cứ ngỡ niệm câu nói đó càng nhiều lần thì ba tôi sẽ sớm trở về với mẹ
và tụi tôi.
Lời khẩn cầu rồi được toại nguyện khi có tin ba đã di chuyển vào Nam sau nhiều năm ở ngoài Bắc xa xôi. Ngày mẹ dẫn anh em tôi đi thăm ba ở trại cải tạo trong Nam, đó cũng là lần đầu tôi bị choáng vì hình ảnh người đàn ông oai hùng trong bộ quân phục ngày nào trong tấm hình nay lại quá tiều tụy trong đồng phục thùng thình của trại tù. Hình ảnh trai tráng trong tấm hình năm xưa được đánh đổi thành một người đã già đang thất thiểu đi trong nhóm người từ trong cổng trại bước ra mà tôi chỉ có thể nhận ra là ba tôi qua nụ cười vui mừng vì gặp lại tụi tôi.
Ra trại và sum hợp với gia đình không bao lâu ba lại đánh liều đi vượt biên, khoác cho mình tấm áo thuyền nhân để lo cho đám anh em tôi trong tuổi đang lớn nơi xứ người cần người chỉ bảo và dẫn dắt trên đường đời. Như để đền bù những năm ba xa vắng, tụi tôi được ba chăm sóc trong tình yêu thương và ba đã hoàn thành rất tốt vai trò "gà trống nuôi con" trong tình cảnh bắt buộc.
Với đàn con trong tuổi đi học, chưa đủ tuổi đi làm toàn thời gian để phụ giúp, một mình ba ở tuổi năm mươi với tay nghề chuyên muôn không có, ba đi làm chỉ khá hơn mức lương tối thiểu của tiểu bang lúc bấy giờ. Ba đặt quá khứ vào vị trí thấp nhất, ba vui vẻ chấp nhận công việc hiện tại và vùi hết công sức nuôi dưỡng tương lai cho anh em tôi. Trong tuần ba làm thêm giờ, cuối tuần cố gắng đi làm thêm “overtime” để ba có thể lo tròn trách nhiệm với gia đình. Ba đặt những gì tốt đẹp nhất cho mẹ, cho tụi tôi hơn cho chính bản thân mình.
Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông ba luôn thức dậy đúng giờ, tranh thủ làm thức ăn trưa cho mình: hai lát bánh mì nướng quết một làn mỏng mayonnaise, vài miếng thịt nguội, cheese, thêm vài miếng rau lettuce, dùng giấy kiếng gói lại cho tươm tất trước khi bỏ vô cái bịt giấy màu nâu rồi lần bước ra cửa để đón hai tuyến xe bus cho kịp giờ bấm thẻ vô làm đúng giờ. Ba lo cho cả nhà được đoàn tụ sum hợp, sống chung một mái nhà êm ấm.
Trong kỳ đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm, sau khi nghe bác sĩ báo hung tin là bệnh của ba vào thời kỳ cuối, anh chị em tôi có một cuộc họp để nghe bác sĩ đưa ra các loại phương cách chữa trị, thậm chí ông còn giới thiệu đến những bác sĩ chuyên môn, bệnh viện có chương trình nghiên cứu trị liệu để tụi tôi tham khảo thêm trước khi chọn lựa. Sau vài phút im lặng, suy nghĩ, ba điềm tĩnh nói "Ba không muốn đi trị liệu".
Anh em tôi vô cùng ngạc nhiên về quyết định của ba khi lúc này có mẹ cạnh kề, tụi tôi đều đã lớn có đủ khả năng lo cho ba được. Nhưng sau khi ba giải thích lý do thì tụi tôi lặng người đành để ba quyết định cuộc sống theo ý ba muốn một lần cuối cùng trong đời.
Chiều nay ngồi xem vé máy bay trên Travelocity để mua về kịp đám giỗ lần thứ 10 của ba, bao nhiêu kỷ niệm, bao năm chung sống với ba, khoảng đời đẹp của tôi, lại hiện về. Người ta thường nói "Mồ côi cha như nhà không nóc", nhưng tôi không cảm thấy bơ vơ giữa dòng đời vì ba tôi ra đi nhưng để lại cho tôi những bài học, hành trang quý giá mà tôi luôn mang bên mình. Ba đã lo cho tôi một nền móng vững chắc để bước vào đời. Những lúc gặp khó khăn trong cuộc sống, gặp áp lực trong công việc, tôi lại nghĩ về ba để thấy mình có thêm nghị lực bước tới.
Có người ví von "Cuộc đời như hành trình của một con tàu với nhiều sân ga. Những người thân yêu chỉ đến rồi đi vào một đoạn trong cuộc sống và chỉ có thể đồng hành đi chung cùng một đoạn đường". Ba tôi đã xuống sân ga và rời xa tôi. Tôi đã được đi cùng ba một đoạn đường trong cuộc hành trình. Nhưng những gì ba chỉ dạy, tôi luôn nhớ và đó là hành trang quý giá để tôi tiếp bước trong cuộc đời này với các con tôi.
La Quốc Tâm / Ngọc Lan Người Việt
No comments:
Post a Comment