Tuesday, December 1, 2015

Cám Ơn Anh - Noel 2015



Mỗi năm cứ sau ngày Lễ Tạ Ơn, một đài phát thanh tại địa phương FM103.5 họ bắt đầu phát thanh chương trình Nhạc Giáng Sinh 24/24, liên tục cho đến ngày 26 tháng 12, những bản nhạc Noel thật xưa và cứ đều đặn đúng ngày, đúng giờ, những bản nhạc này lại trỗi lên, càng nghe càng thấy thấm thía cho nỗi nhớ nhà dâng trào, hàng năm, năm nào cũng thế và đã mấy chục năm trôi qua, hầu như những bản nhạc này vượt thời gian và hình ảnh của những mùa giáng sinh xưa đi qua thật chậm và rõ ràng.

Những năm trước, khi internet chưa thịnh hành, trong các khu thương mại sầm uất, tấp nập xe cộ đầy đường, bất kể thời tiết băng giá bao trùm. Vào dịp này, những chương trình truyền hình thường hay chiếu những phim xưa về Noel, kèm lẫn theo những chương trình quảng cáo thương mại,cuộn phim về một đứa bé vô gia cư trong mùa Noel, được chiếu đi chiếu lại năm này qua năm khác.
Như một phản ứng tự nhiên, khi phim này chiếu lên tôi ngưng tất cả công việc và theo dõi cậu bé với áo quần vá nối nhiều mảnh, lang thang trong đêm lạnh giá, đi qua từng cửa hàng nhìn qua những khung cửa kính lộng lẫy chưng bày nhiều màu sắc của mùa Noel, bên trong những hàng hóa và người đi tấp nập, cậu bé nhìn vào những món hàng chăm chú  và bước đi chậm trong miên man và liên tục qua hết cửa hàng này đến cửa hàng khác, đi trong lạnh giá và thèm thuồng. 
Cứ mỗi năm hình ảnh cậu bé này lại hiện về và như thế những thước phim này lôi kéo theo hình ảnh của những Noel xưa trong ký ức mù sương, mường tượng những hình ảnh nầy đã có gặp một lần gặp ở một nơi nào đó, rồi liên tưỡng đến những hình ảnh của những người vô gia cư trong dịp Noel, mơ ước những món quà nhỏ và một mái gia đình sum họp.

Trong không khí đón mừng Chúa hài đồng, mùa của tình thương, của chia xẻ, những chiến hữu, những TPB/VNCH lần lượt ra đi theo năm tháng, những người còn lại bị hất hủi và lang thang trên chính quê hương của họ.
Những đôi mắt của đứa bé không nhà, xuyên qua cửa kính với mơ ước thèm thuồng và chính những đôi mắt ấy tôi lại thấy rất quen thuộc như những chiến hữu của tôi một thời đã chiến đấu bảo vệ Miền Nam tự do trong 21 năm và mùa Noel gợi nhớ một quãng đời đã qua với nhiều mơ ước trên mãnh đất nơi họ sinh ra, lớn lên và chiến đấu đến cuối đời.
 
Những người bạn của tôi ơi, trong mùa đông lạnh giá, các bạn đã nhóm lên một ánh lữa tình người, tình đồng loại và những ấm áp cuối đời.

 
Xin một lần được tri ân đến những tấm lòng. 
PBC72   



I'm dreaming of a white Christmas
Just like the ones I used to know
Where the treetops glisten,
and children listen
To hear sleigh bells in the snow

I'm dreaming of a white Christmas
With every Christmas card I write
May your days be merry and bright
And may all your Christmases be white

I'm dreaming of a white Christmas
With every Christmas card I write
May your days be merry and bright
And may all your Christmases be white


White Christmas – lyrics


WHITE CHRISTMAS / THE SONG PLAY INDICATED THE END OF THE VIETNAM WAR

Monday, November 30, 2015

Một Chút Tâm Tình Nhân Mùa Tạ Ơn / Thúy Sương PBC72






Tháng mười một bước vào những ngày lễ cuối năm bên nầy thời gian dường như trôi nhanh hơn. Lể Tạ Ơn rồi lại đến mùa Giáng Sinh. Lại sắp hết một năm nữa!  Nhất là tuổi càng lớn tôi càng thấy quỹ thời gian của mình cạn dần.    
Một tuần trước lễ Tạ Ơn, tôi phải đi làm ở Denver, Colorado. Dường như số của mình là vậy. Ngựa Chạy Đường Dài. Đi làm ở VN hay ở bên đây cũng vậy lâu lâu cũng phải xa nhà. Chuyến bay từ Orange County den Denver phải bị delayed 2 giờ vì băo tuyết. Ngồi trên phi cơ dường như ai cũng có một chút lo lắng và bồn chồn. Có lẽ ai đó cũng mong mình được đến nơi bình yên sau nhiều biến cố xảy ra gần đây ở mọi nơi trên thế giới. Khi phi cơ sắp đáp xuống phi đạo, buổi tối nhìn qua khung cửa tuyết phủ trắng xóa cả bầu trời. Tiếng của cô Tiếp Viên Hàng Không chúc mọi người trở về nhà, đi công tác hay đi du lịch đều một chuyến đi tốt đẹp và bình yên và cuối cùng là Happy Thanksgiving. Xuống phi trường ở Colorado nhìn tuyết trắng cả một vùng thì cũng đẹp thật nhưng đứng ngoài trời chờ xe đến đón mình về khách sạn thì lạnh ơi là lạnh.

Buổi sáng ở Denver, chuẩn bị đi làm thì nhận tin nhắn buổi họp cũng bị trễ 2 giờ, và sẽ bắt đầu 10 giờ sáng thay vì 8 giờ như thường lệ. Tuyết ngập đầy đường cần có người dọn dẹp các xa lộ cho an toàn để không xảy ra nhiều tai nạn lúc lái xe khi trời đang bão tuyết. Đến nơi đi làm dọc các con đường trong căn cứ, từ những người lính gác đứng chào đón và xét giấy tờ mọi người, những người xúc tuyết trên những con đường xe chạy và những parking ai cũng vui vẻ làm nhiệm vụ của mình. Cũng không quên nói câu Drive Safety & Happy Thansgiving. 

Trở về California bình yên. Tạ ơn trời phật!!

Buổi tối trước ngày lễ Tạ Ơn 10 giờ tối đang lái xe về nhà bạn gọi hỏi ngủ chưa?  Chưa đang lái xe. Đi đâu giờ này? Một em Hướng Đạo trong đoàn sắp vào Board của Orange County Council để lấy được đẳng cấp Đại Bàng (Eagle Scout) nên các trưởng HD trong đoàn phải giúp em ôn bài trước cho chắc ăn. Bạn nói Siêng quá ha!! Vậy đó mà tôi không có giờ cho riêng mình nhưng lúc nào cũng nghĩ làm được gì thì làm để đến lúc về hưu nghĩ lại ít ra mình cũng còn giúp một chút xíu gì cho người. Ngay cả trong sở làm những việc làm thiện nguyện tôi cũng đều có tham gia. Nhất là gởi quà cho những người lính với nhiều cấp bậc khác nhau đi tham chiến ở nhiều nơi như là một lời cảm ơn hay theo các người trong sở đến thăm những quân nhân tại bệnh viện ở Long Beach.

Nhớ lại những ngày đầu đến Mỹ đi học, tôi sống ở Ohio rất lạnh. Đến được Ohio định cư cũng nhờ một người Mỹ từng tham chiến ở VN có vợ là người Việt bảo trợ. Mỗi năm lễ Tạ Ơn & Giáng Sinh ông đều chuẩn bị buổi tiệc rất thịnh soạn cho con cháu về đoàn tụ ăn uống vui vẻ. Tôi cũng được về chung vui. Thức ăn thì lúc nào cũng có Turkey cho lễ Tạ Ơn & Ham thì cho ngày Giáng Sinh. Ngoài ra còn có những rau quả, những nước sauces đặc biệt và bánh pies. Mấy món này rất đặc biệt cho mọi vùng ở nước Mỹ này. Có nhiều món thì ngon nhưng nhiều món mình ăn không quen lúc đó thấy lạ lắm. Nay thì 2 vợ chồng người bảo trợ đã qua đời.

Khi học xong tôi cũng đã làm ở Ohio một thời gian trước khi đổi về làm ở California cho đến nay. Nhớ ngày đổi về nhận công tác ở Los Angeles, ngoài những luncheon trong office tổ chức để từ giả tôi còn có 2 vợ chồng của một người kỹ sư chung sở thương tôi như con gái hỏi tôi muốn gì, tự nhiên buột miệng nói I wish to have a formal Thanksgiving Dinner. 2 vợ chồng vui vẻ nói OK you got it. Buổi tối hôm sau đến nhà 2 ông bà cùng với một cô bạn tôi được gia đình khoản đãi một buổi formal dinner thật sang trọng với những đĩa, muỗng, nĩa bằng bạc và những thức ăn đặc biệt của mùa lẻ cuối năm. Tôi thật cảm động muốn khóc vì những tấm chân tình của những người mình đã từng quen biết ở đây. Nói bao lời cảm ơn cũng chưa thấy đủ.

Lễ tạ ơn bên này ngoài những buổi họp mặt cùng ăn uống với gia đình cũng là bắt đầu mùa mua sắm. Buổi tối thứ năm gia đình tôi cũng không ngoại lệ, ông chồng và con trai tôi mỗi người một laptop vào online để order những món hàng đặc biệt rẻ cho ngày hôm sau là Black Friday. Lúc này tôi mới có thời gian để đọc mail của các bạn.  

Nhân mùa lễ cuối năm cho tôi gởi đến các bạn những lời cảm ơn

Xin Cảm ơn các bạn 72 đã làm cho diễn đàn sống động với những tin tức bài vở thật phong phú.

Xin cảm ơn Ánh Tuyết & Xuân Liên đã kết nối các bạn 72 qua yahoo group. Qua đó các bạn bắt được nhịp cầu liên lạc với nhau.    
Cảm ơn Phạm Hòa đã bỏ nhiều công sức hình thành các blogs cho PBC. Nhất là có lòng nghĩ đến những người số phận hẩm hiu cũng như tạo điều kiện giúp đỡ các gia đình chiến sĩ cũng như những thương phế binh VNCH.  

Cảm ơn Hồng Thúy lúc nào cũng không từ chối giúp đỡ bạn bè trong lúc khốn khó cũng như những người TPB VNCH bất hạnh. Cho dù cách làm việc giữa mình có khác nhau nhưng TS cũng muốn gởi đến Thúy một lời cảm ơn chân thành.

Cảm ơn Lộc người bạn thật thằng thắn trong lời nói nên có lúc cũng mất lòng nhiều người nhưng tâm thật tốt luôn giúp những người kém may mắn hơn mình.

Xin cảm ơn Nhật Tân, Ánh Tuyết,  Đào Hoa, HT, và Lộc đã hỗ trợ TS trong việc đóng góp cho các gia đình TPB VNCH. Qua đó TS cảm thấy mình không phải là một con dả tràng đang xây cát. Ít ra mình cũng làm được một điều gì đó cho dù đóng góp rất là nhỏ nhoi.

Cảm ơn Nhung và Tín đã có những góp ý với TS trong việc đóng góp Cảm ơn Anh, qua đó TS hiểu được tâm tình các bạn.  

Chúc các bạn một mùa lễ cuối năm thật bình yên bên gia đình và người thân.

Thúy Sương

Thursday, November 26, 2015

Tạ Ơn Người, Tạ Ơn Đời / Mùa Tạ Ơn 2015


40 năm trôi qua những mùa Tạ ơn đến rồi đi, nhưng nhớ nhất vẫn là mùa Tạ Ơn đầu tiên trên đất nước tạm dung, lúc ấy vào cuối tháng 11 năm 1975, ngày ấy khí hậu lạnh cay nghiệt, cái lạnh của những tâm hồn rã rời sau cuộc chiến, lạnh cô đơn, lạnh ly hương, không gia đình, không người thân thuộc, chỉ duy nhất một chiếc áo lạnh nhận từ trại tỵ nạn, hàng ngày cố gắng đi bộ đến những khu dạy Anh văn, những nhà thờ, hoạc bất cứ nơi nào có chương trình dạy tiếng Anh kiếm vài ba chữ làm vốn liếng cho đời sống mới, hình như trong những văn kiện về chương trình dạy, những người học tiếng Anh vỡ lòng đều có bài viết nói về ý Nghĩa của ngày Lễ Tạ Ơn “Thanksgiving” và tiếp theo là câu chuyện nói về một anh chàng ham ăn “gà tây” và và bị trúng thực vào mỗi lễ này mỗi năm.

Vào dịp lễ này, trong những lớp học tiếng Anh cho những người di dân, các học sinh mang đến những thức ăn mình có và ngồi ăn chung với nhau trước ngày Lễ trọng đại này, ngày ấy không tiền, không xe, hình như cái gì cũng không và cô giáo thấy vậy bèn tặng cho một cái bánh “pumpkin pie” để chung vui với các bạn trong lớp.

Hình ảnh này không bao giờ nhạt phai. Rồi liên tiếp những người có tấm lòng tiếp tục giúp đở để thoát ra những tháng ngày ngặt nghèo vô vọng.


Cứ mỗi mùa tạ ơn đến, lại thấy trên vai chồng chất những tri ân và những ân tình của những năm tháng trôi qua. Hồi mới đến xứ sở này 2 chữ “Thank You” và “Sorry” người dân bản xứ dùng đầu môi chót lưỡi, rồi hội nhập vào cuộc sống mới mình tiêm nhiễm cái phong tục này lúc nào cũng không biết.

Cám ơn nơi sinh ra, quê hương miền biển mặn, cha mẹ anh chị em và những người thân thương, cám ơn ngôi trường rêu xanh ngày nào đã cưu mang những kiến thức cho đời sống và những kỷ niệm tình bạn thân yêu dưới mái trường năm nào, cám ơn những đồng đội và chiến hữu đã chiến đấu và nằm xuống vì hai chữ Tự Do, cám ơn quê hương thứ hai với những tấm lòng quãng đại cưu mang những người tỵ nạn và những hội nhập của đời sống mới, những hạnh phúc và bình an và những hít thở không khí trong lành của đời sống nơi phần đất Tự Do.


Trong mùa Lễ Tạ Ơn nhân 40 năm sống xa quê hương , một quãng thăng trầm cuộc đời đã đi qua, xin được cám ơn đến những người bạn từng một thời dưới mái trường thân yêu, những tháng năm chập chững bước vào đời và sau những thay đổi của đời sống, nhưng tấm lòng nhân hậu với con người, đất nước, quê hương vẫn luôn son sắt.



PH/PBC72



 Con và gia đình rất cám ơn món quà của chú, chú Chiêu, cô Lộc, cô Sương, cô Tuyết, cô Thuý, cô Hoa và cô Tân! Nhân mùa lễ Tạ ơn năm nay, gia đình con kính chúc các chú, các cô cùng gia đình của mình luôn dồi dào sức khỏe, đầm ấm và an vui! 
Con Nguyễn Bích Tâm

Wednesday, November 25, 2015

Cám Ơn Ba

Ba tôi gia nhập quân đội cũng khá lâu, nhưng tôi chưa bao giờ có diễm phút thấy ba tôi trong bộ quân phục, trang nghiêm hào hùng. Ngày mẹ bồng bế, đùm kéo mấy anh chị em tôi ra khỏi khu trại lính đón xe về ở với nội, bao nhiêu hình ảnh cũ của ba trong quân phục đã bị xé, đốt để tránh bị phiền toái với chánh quyền mới. Tôi thấy có một tấm hình trắng đen của ba chụp ở quân trường tay đứng chống nạnh hai bên tươi cười rất tự tin. Tôi muốn giấu mẹ để cất giữ tấm ảnh nhỏ đó đem theo bên mình, nhưng cũng đành bỏ lại ra đi.
Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra và sao ba tôi lại vắng nhà khá lâu. Hằng đêm anh em tôi được mẹ chỉ bảo ngồi nghiêm túc niệm Phật cho ba được an toàn. Câu niệm trong trí tôi trước khi nằm xuống ngủ luôn là "Nam Mô A Di Đà Phật, cho ba Ng. mau về." Tôi cứ ngỡ niệm câu nói đó càng nhiều lần thì ba tôi sẽ sớm trở về với mẹ và tụi tôi.

Lời khẩn cầu rồi được toại nguyện khi có tin ba đã di chuyển vào Nam sau nhiều năm ở ngoài Bắc xa xôi. Ngày mẹ dẫn anh em tôi đi thăm ba ở trại cải tạo trong Nam, đó cũng là lần đầu tôi bị choáng vì hình ảnh người đàn ông oai hùng trong bộ quân phục ngày nào trong tấm hình nay lại quá tiều tụy trong đồng phục thùng thình của trại tù. Hình ảnh trai tráng trong tấm hình năm xưa được đánh đổi thành một người đã già đang thất thiểu đi trong nhóm người từ trong cổng trại bước ra mà tôi chỉ có thể nhận ra là ba tôi qua nụ cười vui mừng vì gặp lại tụi tôi.

Ra trại và sum hợp với gia đình không bao lâu ba lại đánh liều đi vượt biên, khoác cho mình tấm áo thuyền nhân để lo cho đám anh em tôi trong tuổi đang lớn nơi xứ người cần người chỉ bảo và dẫn dắt trên đường đời. Như để đền bù những năm ba xa vắng, tụi tôi được ba chăm sóc trong tình yêu thương và ba đã hoàn thành rất tốt vai trò "gà trống nuôi con" trong tình cảnh bắt buộc.

Với đàn con trong tuổi đi học, chưa đủ tuổi đi làm toàn thời gian để phụ giúp, một mình ba ở tuổi năm mươi với tay nghề chuyên muôn không có, ba đi làm chỉ khá hơn mức lương tối thiểu của tiểu bang lúc bấy giờ. Ba đặt quá khứ vào vị trí thấp nhất, ba vui vẻ chấp nhận công việc hiện tại và vùi hết công sức nuôi dưỡng tương lai cho anh em tôi. Trong tuần ba làm thêm giờ, cuối tuần cố gắng đi làm thêm “overtime” để ba có thể lo tròn trách nhiệm với gia đình. Ba đặt những gì tốt đẹp nhất cho mẹ, cho tụi tôi hơn cho chính bản thân mình.

Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông ba luôn thức dậy đúng giờ, tranh thủ làm thức ăn trưa cho mình: hai lát bánh mì nướng quết một làn mỏng mayonnaise, vài miếng thịt nguội, cheese, thêm vài miếng rau lettuce, dùng giấy kiếng gói lại cho tươm tất trước khi bỏ vô cái bịt giấy màu nâu rồi lần bước ra cửa để đón hai tuyến xe bus cho kịp giờ bấm thẻ vô làm đúng giờ. Ba lo cho cả nhà được đoàn tụ sum hợp, sống chung một mái nhà êm ấm.

Trong kỳ đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm, sau khi nghe bác sĩ báo hung tin là bệnh của ba vào thời kỳ cuối, anh chị em tôi có một cuộc họp để nghe bác sĩ đưa ra các loại phương cách chữa trị, thậm chí ông còn giới thiệu đến những bác sĩ chuyên môn, bệnh viện có chương trình nghiên cứu trị liệu để tụi tôi tham khảo thêm trước khi chọn lựa. Sau vài phút im lặng, suy nghĩ, ba điềm tĩnh nói "Ba không muốn đi trị liệu".

Anh em tôi vô cùng ngạc nhiên về quyết định của ba khi lúc này có mẹ cạnh kề, tụi tôi đều đã lớn có đủ khả năng lo cho ba được. Nhưng sau khi ba giải thích lý do thì tụi tôi lặng người đành để ba quyết định cuộc sống theo ý ba muốn một lần cuối cùng trong đời.

Chiều nay ngồi xem vé máy bay trên Travelocity để mua về kịp đám giỗ lần thứ 10 của ba, bao nhiêu kỷ niệm, bao năm chung sống với ba, khoảng đời đẹp của tôi, lại hiện về. Người ta thường nói "Mồ côi cha như nhà không nóc", nhưng tôi không cảm thấy bơ vơ giữa dòng đời vì ba tôi ra đi nhưng để lại cho tôi những bài học, hành trang quý giá mà tôi luôn mang bên mình. Ba đã lo cho tôi một nền móng vững chắc để bước vào đời. Những lúc gặp khó khăn trong cuộc sống, gặp áp lực trong công việc, tôi lại nghĩ về ba để thấy mình có thêm nghị lực bước tới.

Có người ví von "Cuộc đời như hành trình của một con tàu với nhiều sân ga. Những người thân yêu chỉ đến rồi đi vào một đoạn trong cuộc sống và chỉ có thể đồng hành đi chung cùng một đoạn đường". Ba tôi đã xuống sân ga và rời xa tôi. Tôi đã được đi cùng ba một đoạn đường trong cuộc hành trình. Nhưng những gì ba chỉ dạy, tôi luôn nhớ và đó là hành trang quý giá để tôi tiếp bước trong cuộc đời này với các con tôi.

La Quốc Tâm / Ngọc Lan Người Việt 

Tờ Giấy Bạc 20 Đô tức “Tìm Lại Ân Nhân” của tác giả Nguyễn Duy An

 Người tị nạn rời khỏi Phillipines để đi định cư tại đệ tam quốc gia và 1 chuyến bay đặc biệt chở người tị nạn từ đảo Wake.

alt

Bài đọc suy gẫm:  Tờ Giấy Bạc 20 Đô tức “Tìm Lại Ân Nhân” của tác giả Nguyễn Duy An. Nhân mùa lễ Thank’s Giving đang tới, blog Mười Sáu thân chúc quý độc giả, gặt hái được trọn vẹn ý nghĩa của mùa lễ Tạ Ơn. Hình ảnh chỉ có tính minh họa.

alt
Bà đại sứ Dougan gởi lời nhắn trong điện thoại muốn gặp tôi tại quán cà phê Caribou ở góc đường L & 17 vào lúc 3 giờ chiều Thứ Sáu sau Lễ Tạ Ơn, để kiểm chứng một vài chi tiết về một vị ân nhân tôi đang tìm kiếm từ hơn 20 năm nay vì bà ấy đã tìm được một vài manh mối.
 
Tôi quen bà đại sứ Dougan từ cuối năm 2006, lúc bà ấy chuẩn bị thực hiện chương trình “Next Gen Awards” cho giới trẻ ở Việt Nam vào năm 2007, và qua sự quen biết với ban lãnh đạo của National Geographic, bà ấy đã mời tôi làm thành viên trong ban cố vấn của chương trình. “Cuộc thi NextGen [Next Generation] được tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích, dẫn dắt, trao thưởng cho thế hệ trẻ tài năng có ý tưởng sáng tạo và những đề án thực tiễn trong việc sử dụng hiệu quả điện thoại di động nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống trong cộng đồng và hơn thế nữa…”
Bà đại sứ Dougan chỉ muốn tôi gọi bà là Diana, nhưng vì trong văn bản chính thức người ta vẫn giới thiệu bà là “The Honorable Diana Lady Dougan” nên lúc nào tôi cũng gọi bà là Ambassador Diana hoặc Ambassador Dougan cho phải phép. Tôi gọi thế vì bà đã nhận được tước vị “the permanent rank of Ambassador” và tôi cũng không biết cái chức đó trong tiếng Việt là gì nên “tạm dịch” là đại sứ mặc dầu bà đã về hưu và cũng chưa bao giờ làm đại sứ chính thức của Hoa Kỳ tại bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Sau khi làm việc chung với nhau một thời gian, tôi biết bà ta quen rất nhiều nhân viên kỳ cựu đã từng làm trong ngành Ngoại Giao nên chính thức nhờ bà ấy tìm lại một vị ân nhân đã cho tôi 20 Dollars trên chuyến bay từ Tokyo tới Seattle vào ngày 1 tháng 8 năm 1984.
Mặc dầu tôi đã ra sức tìm kiếm từ bao nhiêu năm nay, kể cả việc liên hệ với một vài người quen biết đang làm việc ở Bộ Ngoại Giao, nhắn tin trên internet và bulletin của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhưng vì tôi chỉ có một vài chi tiết rất mơ hồ về vị ân nhân của mình nên cuộc tìm kiếm đã không mang lại kết quả gì. Ngoài những chi tiết ở trên, tôi chỉ biết vị ân nhân ấy tên là Barbara (tôi đã quá khù khờ nên không hỏi tên họ) và năm 1984 bà Barbara đang làm việc trong văn phòng một tòa đại sứ nào đó của Hoa Kỳ ở Á Châu! Khi nghe tôi kể về câu chuyện hy hữu đã xẩy ra cho tôi trong ngày đầu tiên đặt chân tới Mỹ và những cố gắng của tôi để tìm lại vị ân nhân đó, bà đại sứ Dougan đã thốt lên “đúng là mò kim đáy biển” nhưng cũng hứa sẽ cố gắng hết sức và hy vọng sẽ tìm được vì “lòng thành” của tôi.
***
alt
alt
Logo Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, UNHCR (United Nations High Commission for Refugees – Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc).
 
Ngày đó… Tôi được bầu làm trưởng đoàn hướng dẫn gần 200 người tỵ nạn Việt Nam từ Galang và Hong Kong đáp chuyến bay của hãng Northwest Airlines rời Tokyo sang Seattle bắt đầu cuộc sống mới trên đất Mỹ. Tôi được chọn vì “đồng bào” biết tôi đã từng làm thông dịch viên cho văn phòng Cao Uỷ ở trại tỵ nạn Galang, Indonesia.
Tất cả chúng tôi được lên máy bay trước những hành khách bình thường, và ngồi gần hết phía cuối máy bay, nhưng cho tới khi máy bay chuẩn bị cất cánh, bà con ta vẫn cãi nhau chí chóe vì chỗ ngồi lộn xộn, kẻ thích gần cửa sổ, người khác lại muốn gần lối đi hay dăm ba người bạn muốn được ngồi bên nhau… Nhân viên phi hành đoàn, sau nhiều lần cố gắng vẫn không ổn định được tình hình, đã nhờ tôi dùng hệ thống âm thanh trên máy bay nói tiếng Việt giúp họ giải quyết vấn đề. Tôi cầm máy nói vài lời xin lỗi hành khách trên máy bay bằng tiếng Anh, rồi nói lớn bằng tiếng Việt:
– Tôi xin tất cả mọi người ngồi xuống ghế, cài dây an toàn. Ai không muốn ngồi tại chỗ của mình, xin bước lên đây, tôi sẽ dẫn ra đi chuyến sau. Chúng ta không thể đánh mất danh dự của người Việt Nam chỉ vì một chỗ ngồi trên máy bay.
Như một phép lạ, cả mấy trăm người đều im bặt, chỉ còn nghe tiếng lách cách cài dây an toàn… Tất cả hành khách trên máy bay và phi hành đoàn đều trố mắt ngạc nhiên nhìn tôi. Tôi nói cám ơn rồi trở về chỗ ngồi. Trớ trêu thay, chỗ ngồi của tôi đã bị chiếm mất! Mấy cô chiêu đãi viên cũng đi lên đi xuống, nhìn trước ngó sau nhưng không tìm thấy ghế trống nào ở phần dành cho người tỵ nạn nên đành dẫn tôi lên ngồi một ghế trống ở phía trên, bên cạnh một phụ nữ trung niên với một gương mặt rất phúc hậu… Sau khi tôi cài dây an toàn, bà ta vừa bắt tay tôi vừa nói:
– Tôi là Barbara. Anh bạn trẻ tên gì?
– Tôi là Nguyễn Duy-An.
Bà ta lặp lại tên tôi vài lần rồi hỏi tôi xem bà ấy phát âm có đúng không. Tôi thành thật nói không. Bà ấy cười lớn:
– Tiếng Việt Nam khó đọc quá. Tôi chịu thua. Thôi, cứ gọi là “anh bạn trẻ” nhé.
– Tuỳ bà.
– Cám ơn. Mà này, anh bạn trẻ đang làm việc cho Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, phải không?
– Dạ không. Tôi chỉ là một người tỵ nạn đang trên đường đi định cư tại Mỹ.
– Thế hả? Tôi thấy trên áo anh có in phù hiệu Liên Hiệp Quốc và mấy chữ UNHCR (United Nations High Commissioner for Refugees).
– Đây chỉ là món quà của Cao Uỷ cho những người làm việc thiện nguyện trong trại tỵ nạn thôi.
– Mà này, anh bạn trẻ… Lúc nãy anh nói gì mà tất cả đều im lặng tuân theo vậy? Mấy người tiếp viên hàng không sắp xếp cả tiếng đồng hồ không xong, còn anh chỉ nói một câu thì mọi việc đều êm. Anh bạn trẻ giỏi quá.
– Tôi có tài giỏi gì đâu. Tôi chỉ nhắc cho họ đừng làm mất danh dự dân tộc của mình vì tranh dành chỗ ngồi trên máy bay.
 
alt
Trên: Phi cơ chở người tị nạn cộng sản Việt Nam vừa hạ cánh tại phi trường Canberra, Australia.  
 
alt
 
Chúng tôi còn nói nhiều chuyện trong suốt chuyến bay dài qua đêm, và tôi được biết bà Barbara là nhân viên ngoại giao làm việc ở Á Châu đang trên đường về Mỹ nghỉ hè. Vừa tới Seattle, trước khi xuống máy bay, bà Barbara trao cho tôi một tờ giấy 20 Dollars, nói nhỏ:
– Cứ cầm lấy, đừng ngại nhé anh bạn trẻ. Đường về Miền Đông còn dài, biết đâu anh cần một ít để mua đồ ăn thức uống trong lúc chờ đổi chuyến bay.
Tôi chưa kịp nói lời cám ơn thì bà ấy đã bước vội ra phía trước như sợ tôi sẽ từ chối.
Tôi theo đoàn người tỵ nạn đi ra theo lối dành riêng để xếp hàng làm thủ tục giấy tờ định cư. Tôi là trưởng đoàn nên phải đứng ở cửa giúp “điểm danh” và “nhận diện” từng người vì có nhiều người trùng tên, trùng họ và danh sách đánh máy lại không có dấu tiếng Việt.
Mặc dầu máy bay đáp xuống phi trường Seattle lúc 10 giờ sáng nhưng mãi tới quá trưa tôi mới bước ra khỏi văn phòng của sở thuế vụ và di trú vì tôi là người cuối cùng trong đoàn.
Tôi bị trễ chuyến bay về Pittsburgh!
Nhân viên hãng United Airlines bảo tôi ngồi chờ họ sắp xếp cho đi chuyến sau. Tôi đến ngồi ở dãy ghế gần mấy cái máy bán thuốc lá, bánh kẹo, nước uống… ngắm ông đi qua bà đi lại. Tôi đói lắm vì lúc đó đã hơn 3 giờ chiều. Tôi để ý thấy người ta bỏ tiền vào máy, kéo một cái nhẹ để mua nước, kẹo sô-cô-la và có khi còn được thối lại mấy đồng tiền cắc. Tôi chờ lúc vắng người, rụt rè bỏ tờ giấy 20 Dollars bà Barbara cho sáng nay để mua thử mấy thỏi kẹo sô-cô-la nhưng máy không nhận. Tôi mua thử loong nước Coca-Cola cũng không được. Tôi vừa đẩy tiền vào, máy lại đẩy ra.
Vừa đói vừa khát, tôi ngồi “chửi thầm” con mẹ Mỹ già chơi đểu mình, giả ân giả nghĩa cho mình đồng bạc giả! Tôi chờ tới lúc có một cụ già tới mua thuốc lá, dò giẫm lại gần chìa tờ giấy 20 Dollars hỏi:
– Nhờ ông xem đây có phải là tiền “thật” hay không?
– Thật chứ. Sao cậu hỏi ngớ ngẩn thế?
– Tôi bỏ vào máy mua kẹo không được, mua nước nó cũng không nhận.
Cụ ấy cười lớn rồi giải thích:
– Cái máy này chỉ nhận tiền cắc hay giấy $1 hoặc $5 thôi. Để tôi giúp cho. Lần đầu tới Mỹ hả? Cậu cần gì?
– Tôi là người tỵ nạn Việt Nam hôm nay đi định cư ở Pittsburgh. Tôi tới đây từ sáng nhưng bị trễ chuyến bay. Tôi chỉ muốn mua ít kẹo Sô-co-la và lon nước Coca-Cola cho đỡ đói.
Ông cụ chẳng nói gì, bỏ tiền vào máy mua 3 thỏi kẹo Sô-cô-la và một lon nước trao cho tôi. Tôi đưa tiền ông ta không chịu lấy, chỉ cười cười bảo tôi:
– Có mấy chục xu thôi, đừng bận tâm. Nếu còn chờ lâu, cậu đi ra phía ngoài kia mua bánh mì mà ăn. Tôi phải chạy cho kịp chuyến bay. Chúc cậu may mắn.
Ông cụ đi rồi tôi mới hối hận đã trách oan bà Barbara. Chính lúc đó, tôi nhận ra giá trị đích thực của tấm lòng của bà ấy khi trao tờ giấy 20 Dollars cho một người xa lạ, và tôi cũng thấu hiểu ý nghĩa của câu nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no!”
***
Đã bao nhiêu năm qua rồi, tôi vẫn miệt mài tìm kiếm vị ân nhân SỐ MỘT của tôi trên đường đi định cư tại Mỹ. Với tôi bây giờ, tờ giấy bạc 20 Dollars của bà Barbara đáng giá gấp trăm gấp ngàn lần giá trị đích thực của nó trên thị trường tài chánh. Tôi đã an cư lạc nghiệp nơi vùng đất mới và chỉ ước mơ được một lần kính cẩn nói lời cám ơn tới bà Barbara. Chính bà đã dạy cho tôi biết chia sẻ những gì mình có với những người kém may mắn dù quen biết hay không. Đó cũng chính là tâm tình của tôi mỗi lần mừng Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving).
Tôi hy vọng mùa Lễ Tạ Ơn năm nay bà đại sứ Dougan sẽ giúp tôi tìm lại được vị ân nhân tên là Barbara, một người đã từng làm việc trong văn phòng một tòa đại sứ nào đó của Hoa Kỳ ở Á Châu năm 1984. Tôi cầu xin được một lần mời bà đến thăm gia đình và nói cho bà biết rằng tất cả những gì tôi có được hôm nay cũng không giá trị bằng tờ giấy bạc 20 Dollars bà ấy đã cho tôi trên chuyến bay đưa tôi đến định cư nơi vùng đất mới Hoa Kỳ.
 
alt
altalt
alt
 
Nguyễn Duy An – Thanksgiving 2008